Phó Chủ tịch IKI Đỗ Anh Sơn: “Giá trị cốt lõi là kim chỉ nam để IKIers cùng chung con đường, chung mục tiêu”

Từ lần đầu tiên được công nhận, bộ Quy tắc ứng xửNgũ Thường” của IKI luôn là một phần quan trọng trong các tài liệu truyền thông, cũng như trong các phát biểu của lãnh đạo tập đoàn về văn hóa, tinh thần và giá trị cốt lõi. Các nguyên tắc này đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của IKI và là tiêu chí quan trọng để đánh giá nhân sự cũng như lãnh đạo trong tổ chức.

Trong suốt hơn 7 năm qua, bối cảnh và đội ngũ nhân sự của IKI đã có nhiều thay đổi. Đại dịch Covid-19 đã mang đến những thay đổi sâu sắc, từ giá trị sống, tư tưởng cho đến phương thức hành động. IKI không đứng ngoài những biến động này đồng thời có những điều chỉnh chiến lược và sứ mệnh để phù hợp với nội tại và thời đại. Tuy nhiên, có một điều IKI luôn duy trì, được coi là phần quan trọng làm nên giá trị cốt lõi của con người IKI, màu sắc IKI. Đó là bộ nguyên tắc ứng xử với: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.

Như chia sẻ đầu xuân 2025 của Phó Chủ tịch IKI – Ông Đỗ Anh Sơn thì: “Sau 7 năm phát triển, IKI nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để làm sâu sắc thêm bộ giá trị cốt lõi của mình, giúp mỗi IKIer, từ nhân viên lâu năm đến người mới gia nhập, đều hiểu và thấm nhuần giá trị của doanh nghiệp”.

Nguồn gốc của tư tưởng “Ngũ Thường”

Khi phân tích sự thành đạt của các nước phát triển ở Châu Á, báo chí phương Tây đã nhấn mạnh tư tưởng phương Đông mà nói: “Các nước này lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín để làm giàu, chứ không chỉ dùng khoa học và kỹ thuật mà thôi”. Mượn ý này, nhiều nhà doanh nghiệp lẫn nhà khoa học đã khẳng định một ý tưởng tiến bộ: xem kinh doanh vừa là một nghề, vừa là sự tự thể hiện nhân cách.

Nói về nhân cách thì một doanh nhân nổi tiếng từng nói: “Mười bằng tiến sĩ cũng không thay thế được “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.

Tư tưởng “Ngũ thường” là một nội dung cốt lõi trong học thuyết đạo đức của Nho gia, có lịch sử hình thành từ rất sớm. Tìm lại trong các Kinh thư, sách cổ có thể thấy, Ngũ thường nằm rãi trong các kinh điển thời kỳ Tiên Tần, sau đó được các nhà tư tưởng của Nho gia bổ sung và phát triển, tạo nên hệ thống chỉnh thể đầy đủ. Được bắt đầu từ Khổng Tử với phạm trù hạt nhân là “nhân”, sau đó Mạnh Tử đã xem “nhân, nghĩa, lễ, trí” là quy luật đạo đức cơ bản nhất của tính người; Tuân Tử lại “kết hợp lễ và pháp”, “dùng lễ để giải thích nhân”, từ đó làm phong phú thêm tư tưởng luân lý Nho gia truyền thống. Đến thời Hán, Đổng Trọng Thư đã đưa thêm “Tín” vào nền tảng “nhân, nghĩa, lễ, trí”, và chính thức đưa ra khái niệm “Ngũ thường”.

Tuy mỗi giai đoạn, mỗi nhà tư tưởng đề cao một phạm trù khác nhau, nhưng đều thể hiện quy phạm đạo đức cá nhân mà con người cần hướng tới, để hoàn thiện nhân cách và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Sau này, tư tưởng “Ngũ thường” tiếp tục được các nhà Tống Nho, Minh Nho, và các nhà Nho thời cận đại phát triển thành một hệ thống quy phạm đạo đức độc lập. Ngày nay, “Ngũ thường” tồn tại phổ biến, chi phối các hoạt động thực tiễn của con người không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nước nó du nhập đến, trong đó có Việt Nam – trở thành quy tắc đạo đức cơ bản trong việc xử lý mối quan hệ giữa người với người trong xã hội.

IKI ứng dụng “Ngũ Thường” như thế nào trong quá trình vận hành doanh nghiệp?

Nhân: Ứng xử dựa trên lòng bao dung và tình yêu thương con người.

Giá trị “Nhân” tại IKI thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và tình yêu thương đối với mọi người. Đây không chỉ là sự quan tâm trong công việc, mà còn là sự tôn trọng, đồng cảm đối với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng.

Trong một môi trường làm việc cởi mở, mỗi cá nhân đều được tạo cơ hội phát triển và cảm nhận được sự bình đẳng, đoàn kết. Những sai sót có thể được sửa chữa, những việc chưa làm đúng có thể được làm lại để đạt kết quả tốt nhất. Điều này không phải là sự dễ dãi, mà là sự thể hiện lòng bao dung và tình yêu thương từ IKI, nơi mọi người ứng xử với nhau bằng sự cảm thông và bao dung. Chính giá trị “Nhân” đã trở thành nền tảng vững chắc, giúp IKI kết nối mọi người, cùng nhau phát triển và chia sẻ thành công.

Nghĩa: Ứng xử dựa trên lòng hào hiệp và tinh thần bang giao

“Nghĩa” không chỉ là một lý tưởng mà còn là phương thức đối xử công bằng, xây dựng niềm tin trong các mối quan hệ, dựa trên tinh thần hợp tác và lòng hào hiệp. Tại IKI, giá trị này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một tập thể vững mạnh, nơi mỗi cá nhân được trao cơ hội phát triển trong một môi trường đạo đức và công bằng.

Mỗi thành viên tại IKI luôn được khuyến khích thể hiện sự rộng lượng, hỗ trợ đồng nghiệp và đối tác mà không cần chờ đợi sự đền đáp ngay lập tức. Điều này không chỉ là hoàn thành công việc mà còn là sự quan tâm chân thành và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong mọi tình huống.

Giá trị “Nghĩa” còn thể hiện sự tôn trọng trách nhiệm, công bằng và đạo đức trong công việc. Mỗi thành viên của IKI luôn cam kết làm việc đúng đắn, minh bạch và công bằng trong mọi hoàn cảnh. Chính tinh thần này giúp IKI duy trì một môi trường làm việc đoàn kết, nơi mỗi cá nhân đều có thể phát triển và cùng chia sẻ thành công.

Lễ: Ứng xử dựa trên sự khiêm nhường, tôn trọng, kính trọng và tự trọng

Giá trị “Lễ” thể hiện sự tôn trọng và ứng xử có văn hóa trong các mối quan hệ. Tại IKI, Lễ là thái độ chuẩn mực trong giao tiếp và hành xử. Tôn trọng là yếu tố nền tảng để xây dựng một môi trường làm việc hòa đồng, văn minh, nơi mà mọi người, dù là đồng nghiệp hay khách hàng, đều được đối xử công bằng và tôn trọng. Mỗi IKIer đều thấm nhuần điều này trong các hành động hằng ngày, từ lời chào hỏi đến các quyết định quan trọng trong công việc.

Trí: Ứng xử dựa trên sự Tử Tế và Tỉnh Thức, biết phân biệt đúng sai

Là một giá trị quan trọng trong một doanh nghiệp, đặc biệt khi áp dụng vào môi trường làm việc. Điều này có thể hiểu là việc mỗi cá nhân trong tổ chức không chỉ cần có năng lực tư duy sắc bén, khả năng phân tích và ra quyết định đúng đắn, mà còn phải thực hành sự tử tế trong các mối quan hệ, đồng thời duy trì sự tỉnh thức để nhận diện và hành động đúng trong mọi tình huống.

IKI xây dựng văn hóa ứng xử tử tế: Mỗi cá nhân trong doanh nghiệp cần đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và lòng nhân ái. Điều này giúp tạo dựng mối quan hệ gắn kết, đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Trong mọi tình huống, sự tử tế sẽ tạo ra không gian an toàn để các thành viên cảm thấy được trân trọng, qua đó khuyến khích sự cống hiến và sáng tạo.

Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm duy trì đạo đức nghề nghiệp, không làm việc sai trái hay bỏ qua các nguyên tắc đạo đức, dù là trong các quyết định nhỏ nhất. Đặc biệt, từ ban lãnh đạo tới nhân viên, duy trì sự tỉnh thức trong mỗi quyết định, hành động, việc làm. Không vội vàng, không để cảm xúc chi phối, duy trì cái nhìn rõ ràng, phân tích các tình huống một cách khách quan, từ đó đảm bảo các quyết định đúng đắn, hợp lý, có lợi cho tổ chức và tất cả các bên liên quan.

Tín: Ứng xử trên tinh thần “Thương Đạo Thủ Tín”

IKI luôn có một phương châm: Kinh doanh hay hành xử theo đạo lý, giữ vững niềm tin và sự trung thực trong mọi mối quan hệ. Đây là nguyên tắc quan trọng trong các hoạt động thương mại và xây dựng mối quan hệ lâu dài, bền vững. Dựa trên phương châm này, IKI từng bước thực hành, chăm sóc, đối xử với khách hàng trong khuôn khổ các nguyên tắc đạo đức, đồng thời bảo vệ uy tín của mình trong suốt quá trình hợp tác.

Sức mạnh của các giá trị cốt lõi trong sự phát triển của IKI

Trong suốt 7 năm qua, IKI luôn cam kết phát huy và gìn giữ những giá trị cốt lõi này. Bằng việc bám sát bộ quy tắc ứng xử trên và hành động dựa trên từng giá trị, từ nhân viên có thâm niên đến những người mới gia nhập, mỗi người trong IKI đều nhận thấy mình trong đó, thấm nhuần và thực hành những giá trị này trong từng suy nghĩ và hành động. Những giá trị này không chỉ giúp IKI duy trì được sự đoàn kết, mà còn là yếu tố dẫn dắt tập đoàn vượt qua mọi thử thách và đạt được những mục tiêu cao cả.

Phó Chủ tịch Đỗ Anh Sơn cũng nhấn mạnh rằng, khi thế hệ nhân viên thay đổi và thời cuộc biến chuyển, từng cá nhân IKI cần tiếp tục phát huy và bổ sung kiến thức, để giá trị cốt lõi này sẽ luôn trường tồn theo thời gian. “Điều này sẽ giúp IKI có sức mạnh nội lực, huy động toàn bộ đội ngũ để vươn tới những đỉnh cao mới.”

Đối với cá nhân Phó chủ tịch IKI Đỗ Anh Sơn, người đã gắn bó với IKI từ những ngày đầu và qua nhiều vị trí khác nhau, “Ngũ thường” luôn là kim chỉ nam cho từng hành động và quyết định trong công việc. Anh dùng chính những giá trị này để dìu dắt, đào tạo và truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ IKIers tiếp theo, giúp họ tiếp tục phát huy những giá trị này qua các chương trình đào tạo, chia sẻ và học tập.

Tag bài viết